Cổ họng của bạn thường xuyên bị sưng, đau mỗi khi giao tiếp, uống nước hay thậm chí là nuốt nước bọt. Điều này khiến bạn cảm thấy khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vậy nguyên nhân khiến cổ họng bị sưng đau là gì? Bạn cần làm gì để khắc phục điều đó, hãy cùng tìm câu trả lời ngay với các thông tin mà chúng tôi cung cấp sau đây.
1. Họng bị sưng đau có thể nhận biết bằng cách nào?
Cổ họng bị sưng hay họng sưng đau là tình trạng niêm mạc của họng bị viêm, gây nên tình trạng đau rát, khó chịu, luôn có cảm giác vướng víu. Thông thường, triệu chứng này cũng có thể xảy ra do một số thói quen xấu như hút thuốc lá trong thời gian dài, uống đồ lạnh,… Ngoài ra, họng bị sưng đau cũng có thể là biểu hiện của một vài bệnh lý.
Theo đó, bạn có thể nhận biết tình trạng họng bị sưng đau thông qua một vài dấu hiệu điển hình như:
- Quan sát tại vùng cổ họng thì thấy niêm mạc đỏ, nóng và sưng hơn so với bình thường
- Luôn có cảm giác cổ họng bị vướng, nghẹn lại, nóng rát và ngứa ngáy thường xuyên
- Ngoài ra, có thể đi kèm với một vài triệu chứng khác như khô họng, khàn tiếng, đau họng, ho khan hay nghẹt mũi…
2. Nguyên nhân khiến cổ họng bị sưng và đau
Thông thường, khi cổ họng sưng đau, tình trạng này có thể tự giảm dần và khỏi hẳn trong vài ngày mà không cần đến bất kỳ can thiệp hay điều trị nào. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây ra là do các bệnh lý tiềm ẩn, thì những triệu chứng kể trên có thể trở nên nghiêm trọng dần sau đó và gây biến chứng nặng.
Do vậy việc xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời là điều cần thiết. Theo đó, một vài nguyên nhân gây tình trạng họng bị sưng đau bao gồm:
Viêm họng
Đây là một trong các nguyên nhân khá phổ biến khiến họng của bạn bị sưng, rát và đau. Bệnh viêm họng xảy ra khi niêm mạc hầu họng bị nhiễm trùng, dị ứng hoặc bị kích ứng.
Ngoài triệu chứng cổ họng bị sưng và đau, bạn cũng có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh này thông qua những biểu hiện khác như khàn giọng, sốt cao, sưng hạch ở vùng cổ, mệt mỏi, đau đầu, nghẹt mũi,…
Trào ngược dạ dày – thực quản
Bệnh này xuất phát từ hệ tiêu hóa nhưng cũng có khả năng làm tổn thương và gây sưng niêm mạc tại vùng cổ họng. Bởi nguyên nhân là do acid từ dạ dày bị trào ngược lên phía trên cổ họng, thực quản trong một thời gian khá dài, từ đó gây ăn mòn, loét và viêm cổ họng, khiến họng bị sưng và đau. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này rất có thể sẽ chuyển dần sang viêm họng mạn tính.
Viêm thanh quản
Đây là một trong các bệnh lý hô hấp có thể khiến cho cổ họng bị sưng và đau rát kéo dài. Bệnh lý này thường xảy ra khi nhiễm trùng, hút thuốc, tiếp xúc với đá lạnh hoặc sử dụng bia rượu trong một thời gian dài.
Ở giai đoạn cấp tính, bệnh thường dẫn đến tình trạng sưng cổ họng kèm với một số triệu chứng như đau nhức mình mẩy, chân tay tê mỏi, khô họng, ho, ớn lạnh, khạc tiếng hoặc khạc có đờm. Đến giai đoạn mạn tính, viêm thanh quản chủ yếu gây ứ đờm ở cổ, khàn tiếng, thanh quản ngứa dẫn đến đằng hắng, họng bị sưng và khô.
Triệu chứng của viêm thanh quản cũng tương tự như viêm họng. Tuy nhiên, khi bị viêm thanh quản thì bạn sẽ nhận thấy tình trạng mất tiếng và khàn giọng kéo dài hơn bởi thanh quản là cơ quan giữ chức năng phát âm, do đó khi bị tổn thương thì sẽ gây tình trạng nghiêm trọng hơn của với những bệnh lý hô hấp khác.
Do nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm cấp tính
Ngoài các bệnh lý phổ biến trên, họng bị sưng đau cũng có thể là hệ quả của những bệnh truyền nhiễm cấp tính như:
- Sởi: Đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra do virus Paramyxoviridae, thường bùng phát mạnh vào thời điểm mùa đông và mùa xuân. Khi mắc sởi, bạn thường sẽ nhận biết được thông qua các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm kết mạc kèm với những biểu hiện của bệnh đường hô hấp trên như viêm thanh quản, viêm họng, nổi bật là họng bị sưng đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết rõ hơn về bệnh lý này thông qua các tổn thương ở da như ban dát, màu hồng, xuất hiện nhiều ở vùng sau tai, ngực, lưng.
- Tay chân miệng: Đây là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus, bệnh thường gặp ở những trẻ dưới 10 tuổi. Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh lý này là sốt cao, mụn nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay, chân và miệng. Các mụn nước khi xuất hiện ở miệng sẽ khiến cho cổ họng bạn bị sưng và đau nhiều, luôn có cảm giác vướng víu khi nuốt.
Viêm amidan
Amidan là hai hạch nằm tại khu vực 2 bên cổ họng, bộ phận này có tác dụng bảo vệ cho cơ quan hô hấp của bạn khỏi bị nhiễm trùng. Thực thế, amidan cũng là bộ phận dễ bị viêm nhiễm và tổn thương do dễ bị tấn công bởi những tác nhân gây hại bên ngoài. Vì là bộ phận nằm liền kề với cổ họng nên khi amidan bị viêm nhiễm thì niêm mạc cổ họng cũng dễ bị lây lan, gây viêm sưng và đau họng.
Thông thường, các triệu chứng của viêm amidan cũng tương tự như viêm họng. Bạn chỉ phân biệt được rõ ràng nhất thông qua các tổn thương thực thể như: Quan sát cổ họng sẽ nhận thấy amidan sưng to và nóng rát hơn bình thường. Ở một vài trường hợp, bề mặt amidan cũng có thể bị phủ một lớp dịch nhầy màu trắng đục, có mùi hôi.
Do những thói quen xấu
Cổ họng của bạn bị sưng, đau cũng có thể do một vài thói quen không tốt như:
- Thói quen ăn đồ lạnh hoặc uống nước đá thường xuyên
- Không sử dụng khẩu trang làm cho không khí lạnh đi vào họng gây viêm, sưng
- La hét quá mức hoặc nói chuyện nhiều trong một thời gian dài
- Thói quen ăn đồ cay nóng khiến cổ họng bị kích ứng
- Thường xuyên ăn đồ cứng khiến thức ăn bị mắc lại ở cổ họng gây viêm sưng
Thực tế, họng bị sưng đau còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu triệu chứng khởi phát mạnh kèm theo những dấu hiệu đặc biệt thì bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân và đưa ra những phương pháp điều trị tốt nhất.
3. Họng bị sưng đau có gây nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, phần lớn những trường hợp họng bị sưng đau đều khởi phát do các thói quen xấu hoặc những bệnh lý về hô hấp cấp như viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản,… Nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời, những bệnh lý này sẽ được cải thiện nhanh chóng và ít khi phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì như thế mà chủ quan, bởi bệnh tình có thể chuyển biến sang xấu hơn và tiến triển thành mạn tính, gây lây lan hoặc nhiễm trùng sang những bộ phận khác bất cứ lúc nào.