Khi bị khàn tiếng, chất giọng thường trầm, yếu, khó nghe hơn bình thường, có thể kèm theo một số triệu chứng như: khó nuốt, ho dai dẳng, ho có đờm, đau rát, sưng tấy cổ họng… Vậy hay bị khàn tiếng là bệnh gì, có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Mục lục
Hay bị khàn tiếng là bệnh gì?
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng cổ họng bị khô, ngứa, đau rát, thường kèm theo một số triệu chứng khác như: khàn tiếng, ho, ho có đờm, sốt… Nguyên nhân chủ yếu là do virus (cúm hoặc cảm lạnh), vi khuẩn (liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A), dị ứng, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài…
Viêm họng cấp tính thường kéo dài từ 1 – 2 tuần, nếu không được can thiệp dứt điểm có thể chuyển sang thể mạn tính liên tục tái phát trong suốt cuộc đời.
Căn bệnh này xuất hiện khá phổ biến. Vì vậy, người bệnh thường chủ quan, chậm trễ trong việc điều trị hoặc tự điều trị tại nhà không đúng cách dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn như: viêm đường hô hấp (viêm mũi, thanh quản, amidan, phổi…), viêm xoang cấp tính, áp xe quanh amidan và sau thành họng…
☛ Tìm hiểu đầy đủ: Bệnh viêm họng là gì?
Viêm thanh quản
Thanh quản nằm dưới đáy của lưỡi, nối yết hầu và khí quản ở phía trước của cổ. Thông thường, dây thanh quản đóng mở trơn tru, hình thành âm thanh thông qua chuyển động và rung động khi có không khí từ phổi đi qua.
Khi thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, bị kích ứng hoặc nhiễm trùng, các dây thanh âm sẽ sưng lên khiến âm thanh mà bạn phát ra bị biến dạng, trở nên khàn, trầm và đục hơn. Trong một vài trường hợp, thanh quản bị viêm nhiễm nặng mang lại cảm giác đau rát khiến bạn không thể nói được.
Bệnh lý này có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính). Hầu hết các trường hợp bị viêm thanh quản là do nhiễm virus, vi khuẩn tạm thời và không quá nghiêm trọng. Tìm hiểu thêm: Viêm họng thanh quản cấp
U nang dây thanh quản hoặc polyp dây thanh quản
U nang hoặc polyp dây thanh quản là những nốt u nhỏ, lành tính, có thể nằm ở mặt trên hoặc bờ trong giữa các nếp gấp thanh quản. Các nốt u khiến thanh quản không thể khép kín được, tắc thanh môn, gây biến đổi giọng nói như: khàn tiếng, nói mất nhiều hơi nên nhanh mệt, giọng nói đôi nếu các nốt u phát triển quá to…
Nguyên nhân chủ yếu là do thanh quản hoạt động quá mức (như ca sĩ, giáo viên…), kích ứng, viêm, phù nề, xung huyết do uống rượu bia, hút thuốc, hít phải khói thuốc trong thời gian dài…
Liệt dây thanh quản
Liệt dây thanh quản xảy ra khi một hoặc cả hai nếp gấp thanh quản không mở hoặc đóng đúng cách, khiến giọng nói bị biến đổi, khàn tiếng, khó thở, khó nuốt… Tình trạng này có thể xuất hiện do những tổn thương dây thần kinh bởi chấn thương ở đầu, cổ hoặc ngực; ung thư phổi hoặc tuyến giáp; nhiễm trùng như bệnh Lyme, Varicella Zoster…
Liệt thanh quản là bệnh lý nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như: nghẹt thở (gây tử vong nếu kéo dài), viêm phổi nặng…
☛ Tham khảo thêm bài: Cách khắc phục bị đau họng khó nuốt
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản khởi phát do cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả. Điều này có thể xảy ra khi mất toàn bộ trương lực cơ thắt trong, căng giãn dạ dày hoặc kích thích dưới ngưỡng cổ họng lặp đi lặp lại nhiều lần.
Một số yếu tố khác góp phần dẫn đến bệnh lý này bao gồm: tăng cân, thức ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu, bia, đồ uống có ga hoặc caffeine, hút thuốc lá hoặc đang sử dụng thuốc giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới như: thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn kênh canxi…
Triệu chứng nổi bật nhất là ợ nóng, nôn mửa, chán ăn. Trong một số trường hợp, acid dạ dày có thể dâng cao đến cổ họng và kích thích thanh quản, khiến bạn liên tục ho, hắng giọng, ảnh hưởng đến giọng nói, gây khàn tiếng.
Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản xảy ra khi xuất hiện nhiều tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát, xâm lấn các mô xung quanh và có thể di căn đi xa.
Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân gây ung thư thanh quản. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này là: người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, người tiếp xúc nhiều với các chất có hại như: acid sulfuric, niken, amiăng (asbestos), khí mù tạt…
Các triệu chứng phổ biến của ung thư thanh quản là: thay đổi giọng nói, khàn tiếng không có dấu hiệu cải thiện sau 2 tuần, ho, ho ra máu, khó thở, khó nuốt, đau cổ, đau họng, đau tai…
Chứng khó phát âm do co thắt
Khi mắc chứng khó phát âm do co thắt, các cơ trong thanh quản sẽ nhận tín hiệu bất thường từ não, tạo nên những rung động mất kiểm soát. Từ đó, giọng nói bị biến đổi, khàn tiếng, run rẩy, ngắt quãng, khó nghe.
Chứng khó phát âm do co thắt được chia thành 3 loại chính:
- Kiểu khép: Trong trường hợp này, dây thanh quản bị cố định ở tư thế khép, khiến âm thanh khó được hình thành. Người bệnh thường gặp khó khăn khi bắt đầu một câu nói hoặc câu nói có thể bị xáo trộn, ngắt quãng giữa chừng.
- Kiểu dạng: Người bệnh khó phát âm do hai dây thanh quản cách nhau quá xa, không thể chà xát để tạo ra rung động. Lúc này, hơi thở phát ra nhiều hơn khi nói, giọng nói cũng yếu và khó nghe.
- Kiểu hỗn hợp: Đây là trường hợp hiếm gặp nhất với các triệu chứng pha trộn giữa kiểu khép và kiểu dạng.
Nguyên nhân mắc chứng này là do những biến đổi bất thường trong một khu vực của não được gọi là hạch nền. Hiện nay, chưa có cách chữa dứt điểm chứng khó phát âm do co thắt. Các phương pháp điều trị chỉ tập trung làm giảm triệu chứng bệnh.
Các vấn đề liên quan đến thần kinh
Các vấn đề liên quan đến thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ… có thể ảnh hưởng đến não, làm mất kiểm soát khối cơ vùng cổ họng hoặc thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng.
Bị khàn tiếng lâu ngày có nguy hiểm không?
Khàn tiếng do cảm cúm, cảm lạnh không nguy hiểm, sẽ tự mất đi trong thời gian ngắn (khoảng 5 – 7 ngày) nếu có phương pháp điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khàn tiếng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như: liệt dây thanh quản, ung thư thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản, các vấn đề liên quan đến dây thần kinh… Vì vậy, nếu khàn tiếng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 2 tuần, hoặc kèm theo một số triệu chứng như: xuất hiện cục u ở cổ, khó thở, ho ra máu, mất giọng hoàn toàn… bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và đề xuất phương án điều trị phù hợp nhất.
Làm gì khi bị khàn tiếng?
Khi bị khàn tiếng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
1 – Để cổ họng được nghỉ ngơi: Bạn hạn chế nói chuyện, la hét, hát, cười lớn tiếng trong một vài ngày để cổ họng được nghỉ ngơi và có thời gian phục hồi các tổn thương. Bạn cũng không nên nói thì thầm quá lâu vì điều này có thể làm căng dây thanh quản.
2 – Uống nhiều nước: Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm hoặc một tách trà thảo dược nóng như: trà hoa cúc, trà gừng, trà lá bạc hà… có khả năng làm dịu cổ họng, hạn chế sưng, viêm, đau rát khi phát ra âm thanh. Đây cũng là cách giảm chất nhầy giúp bạn dễ thở và dễ chịu hơn.
3 – Không hút thuốc lá, thuốc lào: Khi hút thuốc lá, thuốc lào, khói thuốc chứa nhiều chất độc hại sẽ đi qua thanh quản vào phổi, gây kích ứng, sưng viêm dày lên, làm thay đổi giọng nói. Hút thuốc cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, ung thư thanh quản, ung thư phổi…
4 – Không uống rượu bia: Rượu bia hoặc những đồ uống có cồn khác gây mất nước, thúc đẩy quá trình sản sinh dịch đờm, khiến cổ họng bị kích ứng và đau rát hơn. Từ đó, tình trạng khàn tiếng trở nên nghiêm trọng và lâu khỏi.
5 – Sử dụng máy tạo độ ẩm: Khàn tiếng thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông, khi thời tiết khô lạnh. Lúc này, máy tạo độ ẩm cân bằng độ ẩm xung quanh bạn, hạn chế các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, giúp cổ họng thông thoáng và dễ thở hơn.
6 – Đeo khẩu trang khi ra đường: Đây là cách giúp bạn hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, khói thuốc, vi khuẩn… – các nguyên nhân gây kích ứng niêm mạc khiến cổ họng viêm sưng, đau rát, ảnh hưởng xấu đến giọng nói.
7 – Tập luyện hít thở: Bạn nên hít thở sâu và dùng hơi từ bụng hoặc ngực, không nên hít thở quá nông và dùng hơi ở cổ họng khiến vị trí này thêm căng thẳng, ảnh hưởng đến giọng nói.
8 – Chế độ ăn uống lành mạnh: Khi bị khàn tiếng, cổ họng nhạy cảm và rất dễ trầy xước, tổn thương. Vì vậy, bạn nên ăn các món mềm, được ninh nhừ như cháo, súp để dễ nuốt hơn và giảm tối đa sự cọ xát của thức ăn với cổ họng. Bạn ưu tiên lựa chọn các loại rau củ giàu hoạt chất chống viêm như: củ cải, giá đỗ, cà rốt, súp lơ… và các loại gia vị như: gừng, nghệ, tỏi để bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết giúp cổ họng khỏe mạnh.
Trong giai đoạn này, bạn không nên tiêu thụ thực phẩm giòn, cứng, cay, nóng, đồ ăn chế biến sẵn… vì chúng dễ kích thích niêm mạc họng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên những cơn ho dữ dội, dai dẳng không ngừng khiến cổ họng đau rát, sưng tấy và tình trạng khàn tiếng trở nên tồi tệ hơn.
9 – Đi khám bác sĩ: Nếu khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc kèm theo nhiều triệu chứng bất thường như: xuất hiện u ở cổ, khó thở, ho ra máu… bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để khám trong thời gian sớm nhất. Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị phù hợp đối với từng loại bệnh khác nhau, ví dụ:
- Viêm họng, viêm thanh quản: Người bệnh có thể dùng các loại thuốc như: paracetamol, ibuprofen… để giảm nhanh các triệu chứng như đau nhức, viêm sưng, đồng thời cải thiện giọng nói.
- U nang hoặc polyp dây thanh quản: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau kháng viêm với corticosteroid liều cao, áp dụng phương pháp trị liệu bằng giọng nói hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô.
- Liệt dây thanh quản: Việc điều trị liệt dây thanh quản có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, phẫu thuật cố định dây thanh, cắt bỏ dây thanh bằng laser, cắt sụn phễu bằng đường nội thanh quản, cắt bán phần sau dây thanh quản qua soi treo vi phẫu.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bên cạnh lời khuyên về những thay đổi lối sống sao cho phù hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như: thuốc ức chế proton (omeprazole, lansoprazole, pantoprazole…), thuốc kháng histamin H2 hoặc điều hòa nhu động ruột (metoclopramide). Trong trường hợp nặng hơn, phương án phẫu thuật chống trào ngược được đề xuất, thường là phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị qua nội soi ổ bụng.
- Ung thư thanh quản: Tùy vào từng giai đoạn phát triển của ung thư thanh quản, bác sĩ yêu cầu thực hiện các phương pháp điều trị khác nhau như: phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản, xạ trị tiêu hủy tế bào ung thư, hóa trị bằng cách sử dụng thuốc gây độc các tế bào ung thư.
- Chứng khó phát âm do co thắt: Phương pháp làm giảm các triệu chứng bệnh thường được áp dụng là: trị liệu bằng giọng nói, tiêm độc tố botulinum trực tiếp vào cơ bị ảnh hưởng ở thanh quản, sử dụng thiết bị hỗ trợ giọng nói…
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Hay bị khàn tiếng là bệnh gì, có nguy hiểm không?”. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1800.9068 để nhận được giải đáp trong thời gian sớm nhất.