Giọng nói thay đổi, bị khàn, khó nghe kèm theo nhiều triệu chứng như ho có đờm, đau rát cổ họng… ảnh hưởng xấu đến giao tiếp hàng ngày. Vậy làm cách nào để hết khàn tiếng hiệu quả, nhanh chóng? Mời bạn tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng
Khàn tiếng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
☛ Nói quá nhiều hoặc quá to: Nếu thường xuyên nói với âm vực cao hơn bình thường, nói liên tục trong thời gian dài, thanh quản hoạt động quá mức có thể bị tổn thương dẫn đến khàn tiếng. Đối tượng thường gặp phải tình trạng này là: ca sĩ, giáo viên, huấn luyện viên…
☛ Tuổi tác: Càng về già, cấu trúc của dây thanh quản càng bị thoái hóa, giảm rung động, giảm đàn hồi. Đó là lý do vì sao giọng nói của người cao tuổi thường khàn hơn.
☛ Hút thuốc hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc: Khói thuốc lá, thuốc lào chứa nhiều chất độc hại, khi đi qua thanh quản vào phổi có thể gây kích ứng, xuất hiện tình trạng sưng viêm, làm thay đổi giọng nói.
☛ Uống nhiều bia rượu: Bia rượu hoặc những đồ uống có cồn khác là nguyên nhân gây mất nước, tăng sản sinh dịch đờm, khiến cổ họng bị kích ứng và đau rát, dẫn đến khàn tiếng nghiêm trọng.
☛ Nguyên nhân bệnh lý: Khàn tiếng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý dưới đây:
- Viêm họng, viêm thanh quản: Cổ họng, thanh quản bị viêm thường do vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết các trường hợp đều không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm nhanh nếu chữa trị đúng cách.
- U nang dây thanh quản hoặc polyp dây thanh quản: Những nốt u nhỏ xuất hiện ở mặt trên hoặc bờ trong các nếp gấp thanh quản khiến thanh quản không thể khép kín, làm tắc thanh môn, biến đổi giọng nói. Đây là căn bệnh lành tính không gây nguy hiểm đến sức khỏe, không có khả năng biến chứng sang ung thư.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Acid dạ dày dâng cao đến cổ họng và kích thích thanh quản là nguyên nhân gây ho dai dẳng, hắng giọng liên tục ảnh hưởng xấu đến giọng nói.
- Liệt dây thanh quản: Dây thanh quản đóng hoặc mở không đúng cách gây khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi nặng, nghẹt thở kéo dài gây tử vong…
- Ung thư thanh quản: Ung thư thanh quản bắt nguồn từ những tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát, xâm lấn các mô xung quanh và có thể di căn đi xa. Triệu chứng thường gặp là: thay đổi giọng nói, khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần và không có dấu hiệu cải thiện, ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau cổ, đau họng, đau tai…
- Chứng khó phát âm do co thắt: Chứng khó phát âm do co thắt xảy ra do những biến đổi bất thường trong một khu vực của não được gọi là hạch nền. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh mà chỉ tập trung làm giảm các triệu chứng.
- Các vấn đề liên quan đến dây thần kinh: Một số bệnh như: Parkinson, đa xơ cứng, đột quỵ… có thể ảnh hưởng đến não, làm mất kiểm soát khối cơ vùng cổ họng hoặc thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng.
☛ Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau rát họng khàn tiếng
Cách làm giảm khàn tiếng nhanh hơn
Hạn chế nói chuyện
Khi có dấu hiệu bị khàn tiếng, bạn hạn chế nói chuyện, ca hát, la hét hoặc cười lớn tiếng trong một vài ngày. Cách này giúp cổ họng có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi các tổn thương nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn cũng không nên nói thì thầm quá lâu vì điều này có thể làm căng dây thanh quản, khiến tình trạng khàn tiếng trở nên trầm trọng hơn.
Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn uống phù hợp không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe, mà còn khắc phục nhanh các triệu chứng bệnh, bao gồm khàn tiếng do nhiều nguyên nhân như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan… Nếu bạn gặp khó khăn khi phát âm, giọng nói thay đổi, khàn tiếng, khó nghe kèm theo đau rát cổ họng thì nên bổ sung thêm một số thực phẩm sau vào bữa ăn hàng ngày:
☛ Gừng: Gừng chứa nhiều hoạt chất phenolic quý giá như: gingerols, shogaols… có khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Ngoài ra, vị cay nóng của gừng còn giúp giảm đau và sưng tấy. Do đó, bạn nên thêm gừng như một gia vị trong mỗi bữa ăn hoặc uống trà gừng 3 lần mỗi ngày nếu có dấu hiệu bị khàn tiếng, đặc biệt là khàn tiếng do các bệnh viêm đường hô hấp. ➤ Đọc thêm: Cách chữa đau họng bằng gừng
☛ Nghệ: Curcumin trong nghệ nổi tiếng với tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm các triệu chứng sưng tấy, đau rát giúp cổ họng khỏe mạnh hơn. Đó là lý do vì sao nghệ được coi là vị cứu tinh khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bạn có thể bổ sung nghệ vào bữa ăn hoặc uống một cốc nước ấm pha bột nghệ vào mỗi buổi sáng để giảm nhanh tình trạng khàn tiếng.
☛ Tỏi: Tỏi chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn được đánh giá cao như: diallyl disulfide, allicin… Do đó, bạn đừng quên thêm tỏi vào mỗi bữa ăn, hoặc ăn tỏi sống, uống nước ép tỏi để triệu chứng khàn tiếng do viêm họng, viêm thanh quản… thuyên giảm nhanh hơn.
☛ Mật ong: Các hợp chất quý giá có trong mật ong như: polyphenolic, hydrogen peroxide, 1,2 – dicarbonyl, defensin – 1… được chứng minh có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ. Vì vậy, khi bị ho dai dẳng, mất giọng, khàn tiếng, bạn có thể ngậm một thìa mật ong và nuốt từ từ, thực hiện mỗi ngày một lần để khắc phục nhanh các triệu chứng trên. Ngoài ra, thêm mật ong vào trà cũng là cách giảm khàn tiếng nhanh chóng.
☛ Lá bạc hà: Tinh dầu menthol trong lá bạc hà nổi tiếng với tác dụng giảm sưng đau họng, ho, ho có đờm, tắc nghẹt mũi, giọng nói bị biến đổi, khó nghe. Do đó, một tách trà lá bạc hà vào mỗi buổi sáng là gợi ý không tồi cho người bị khàn tiếng.
☛ Củ cải: Theo y học phương Đông, củ cải vị ngọt, tính mát, có tác dụng giảm ho đờm, ho khan và cải thiện tình trạng khàn tiếng, mất giọng ở người bị cảm cúm hiệu quả.
☛ Giá đỗ: Các hoạt chất chống viêm có nhiều trong giá đỗ như: polyphenols, vitexin, isovitexin… cải thiện tốt tình trạng viêm sưng cổ họng, hỗ trợ giảm ho và khàn tiếng.
☛ Nước chanh: Quả chanh giàu vitamin C và nhiều chất chống oxy hóa khác có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cổ họng khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, nước chanh còn kích thích bài tiết nước bọt, làm loãng đờm, giảm khàn tiếng hiệu quả.
Tham khảo thêm: Đau rát cổ họng ngậm gì để nhanh khỏi?
Ngoài việc bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ giảm khàn tiếng, bạn cần tránh những món ăn sau để cổ họng khỏe mạnh hơn:
- Thức ăn giòn, cứng: Khi bị khàn tiếng, cổ họng nhạy cảm và rất dễ trầy xước, tổn thương. Do đó, các món giòn cứng như: bánh quy, snack, hoa quả sấy khô… có thể khiến tình trạng sưng tấy, viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, bạn nên ăn các món mềm, được ninh nhừ như cháo, súp để dễ nuốt và giảm tối đa sự cọ xát của thức ăn với cổ họng.
- Thực phẩm cay, nóng: Đồ ăn cay nóng dễ khiến niêm mạc họng bị kích thích, kéo theo những cơn ho dữ dội, dai dẳng không ngừng khiến cổ họng đau rát, sưng tấy và tình trạng khàn tiếng trở nên tồi tệ hơn.
- Đồ ăn chế biến sẵn: Đồ ăn chế biến sẵn như pizza, khoai tây chiên, sản phẩm đóng hộp… chứa nhiều hương liệu, phụ gia, đường, muối, các chất béo có hại… khiến cổ họng nặng hơn, khó chịu, giọng nói cũng bị trầm xuống, khó nghe.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là cách đơn giản làm giảm chất nhầy, dịu cổ họng, hạn chế sưng tấy, viêm đau, giúp bạn dễ phát âm và giọng nói đỡ khàn hơn. Do đó, người bị khàn tiếng đừng quên uống nhiều nước ấm hoặc thay thế bằng trà thảo dược nóng như: trà gừng, trà hoa cúc, trà lá bạc hà…
Tuy nhiên, một số đồ uống chứa caffein như: trà đen, cà phê… không phải lựa chọn tốt cho người bị khàn tiếng vì chúng có khả năng làm mất nước, khiến cổ họng khô và đau rát hơn.
Tắm bằng nước nóng
Hơi nước nóng có thể giảm chất nhầy, khiến cổ họng thông thoáng, dễ chịu. Ngoài ra, nước nóng còn kích thích quá trình lưu thông máu và trao đổi chất, làm lành nhanh các tổn thương ở cổ họng, khôi phục giọng nói của bạn.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Trong khi nước ấm làm dịu cổ họng, loãng đờm thì muối lại có tác dụng kháng khuẩn, khắc phục viêm nhiễm, giúp cổ họng khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Vì vậy, khi bị khàn tiếng, bạn đừng quên súc miệng bằng nước muối ấm 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng khi mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Tập hít thở
Nhiều người có xu hướng hít thở nông và dùng hơi ở cổ. Điều này khiến cổ họng bị khô, căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói. Vì vậy, bạn nên luyện tập cách hít thở sâu và dùng hơi từ ngực hoặc bụng để bảo vệ cổ họng, hạn chế khàn tiếng.
Ngoài ra, hít thở sâu, đúng cách cũng là phương pháp giúp tinh thần vui vẻ, lạc quan, duy trì cân nặng, cải thiện hoạt động của hệ tim mạch…
Không hút thuốc lá
Như đã nói ở trên, hút thuốc lá là nguyên nhân gây kích ứng phổi và thanh quản, khiến cổ họng sưng viêm và thay đổi giọng nói. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư vòm họng… Do đó, bạn nên bỏ thuốc lá hoàn toàn và tránh xa các khu vực nhiều khói thuốc.
Không uống rượu bia
Rượu bia và các thức uống có cồn khác khiến cổ họng kích ứng, đau rát, tăng tiết dịch nhầy gây khó thở, biến đổi giọng nói. Vì vậy, trong thời gian bị khàn tiếng, bạn không nên uống rượu bia.
Ngoài ra, uống quá nhiều rượu bia còn ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm trí nhớ, nói chậm, tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, gây nghiện làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần…
Bị khàn tiếng khi nào cần gặp bác sĩ?
Khàn tiếng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như: liệt dây thanh quản, ung thư thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản, các vấn đề liên quan đến dây thần kinh… Vì vậy, nếu tình trạng khàn tiếng không thuyên giảm sau 2 tuần, hoặc kèm theo một số triệu chứng như: khó thở, ho ra máu, xuất hiện cục u ở cổ, mất giọng hoàn toàn… bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ trực tiếp kiểm tra và đề xuất phương án điều trị phù hợp đối với từng bệnh.
Dưới đây là một số cách thường được dùng để chữa các bệnh có triệu chứng khàn tiếng:
☛ Viêm họng, viêm thanh quản: Thông thường, bệnh viêm họng, viêm thanh quản có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách chăm sóc bản thân như: tắm nước lạnh, ăn nhiều đồ cứng giòn, cay nóng… có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn và kéo dài. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc như: paracetamol, ibuprofen… để giảm nhanh các triệu chứng như đau nhức, viêm sưng ở cổ họng và dây thanh quản, siro trị ho hoặc nước súc miệng.
Tham khảo: Cách chữa viêm họng hiệu quả
☛ U nang hoặc polyp dây thanh quản: U nang hoặc polyp dây thanh quản thường được điều trị bằng thuốc giảm đau kháng viêm với corticosteroid liều cao, áp dụng phương pháp trị liệu bằng giọng nói hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô.
☛ Liệt dây thanh quản: Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp khác nhau như: xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, phẫu thuật cố định dây thanh, cắt bỏ dây thanh bằng laser, cắt sụn phễu bằng đường nội thanh quản…
☛ Trào ngược dạ dày thực quản: Bác sĩ đưa ra lời khuyên thay đổi lối sống để giảm triệu chứng bệnh như: ăn trong vòng 3 giờ trước khi ngủ, hạn chế các chất kích thích bài tiết acid mạnh (cà phê, rượu…), bỏ thuốc lá… Ngoài ra, một số thuốc thường được kê đơn cho người bị trào ngược dạ dày thực quản như: thuốc ức chế proton (omeprazole, lansoprazole, pantoprazole…), thuốc kháng histamin H2 hoặc điều hòa nhu động ruột (metoclopramide). Trong trường hợp nặng, bác sĩ đề xuất phẫu thuật chống trào ngược, thường là phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị qua nội soi ổ bụng.
☛ Ung thư thanh quản: Các phương pháp điều trị ung thư thanh quản được áp dụng tùy vào thời điểm phát hiện ra bệnh, bao gồm: phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản, xạ trị tiêu hủy tế bào ung thư, hóa trị bằng cách sử dụng thuốc gây độc các tế bào ung thư.
☛ Chứng khó phát âm do co thắt: Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Bác sĩ chỉ có thể đề xuất một số cách khắc phục triệu chứng bệnh như: trị liệu bằng giọng nói, tiêm độc tố botulinum trực tiếp vào cơ bị ảnh hưởng ở thanh quản, sử dụng thiết bị hỗ trợ giọng nói…
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc “Làm cách nào để hết khàn tiếng hiệu quả, nhanh chóng?”. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1800.9068 để nhận được giải đáp trong thời gian sớm nhất.