Nhiệt miệng là bệnh lý phổ biến mà ai cũng mắc phải. Nhiệt miệng có khả năng tự khỏi và không để lại thương tổn gì. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiệt miệng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và bạn cần đi khám chuyên khoa. Vậy khi nào cần đi khám, khám ở đâu và khám như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp các câu hỏi trên.
Mục lục
Khi nào bạn cần phải đi khám nhiệt miệng?
Nhiệt miệng là một bệnh lý lành tính và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng và sức đề kháng của mỗi người mà bệnh có thể chuyển biến nặng hơn hoặc khi nhiệt miệng là dấu hiệu của một bệnh lý khác thì bạn nên đi thăm khám các bác sĩ. Những người thường xuyên bị loét miệng thường chủ quan hoặc người bệnh có thể không biết khi nào cần đến gặp bác sĩ. Do đó, trong một số tình huống mà bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Một số trường hợp có thể kể ra bao gồm:
- Xuất hiện vết loét ở một hoặc nhiều vùng trong miệng nhưng không có cảm giác đau.
- Các vết loét xuất hiện ở một vị trí mới, bất thường trong miệng
- Vết loét đang lan rộng, số lượng ngày càng nhiều
- Vết loét kéo dài hơn 3 tuần mà không có dấu hiệu lành
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến sự chăm sóc hoặc điều trị vết loét của bản thân tại các cơ sở y tế nếu:
- Vết loét có kích thước đặc biệt lớn
- Bạn có cảm giác đặc biệt đau đớn, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt
- Sốt cao hoặc tiêu chảy
- Bị nhiệt miệng sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc
- Vết loét có dấu hiệu bị nhiễm trùng thứ cấp, áp xe,….
Việc chẩn đoán chính xác bệnh lý mà bạn đang gặp phải là điều quan trọng bởi nhiệt miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo hay sẽ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý như:
- Bệnh celiac
- Các bệnh viêm đường ruột như: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng
- Bệnh Behcet
- Nhiễm khuẩn cấp, áp – xe
- HIV/AIDS làm ức chế hệ thống miễn dịch
Tham khảo: Các loại nhiệt miệng thường gặp
Quy trình chẩn đoán nhiệt miệng
Dưới đây là các bước cơ bản khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế giúp bạn nắm được và tránh lo lắng, bỡ ngỡ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiệt miệng là gì?
Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên thực hiện trên lâm sàng, dựa trên tiền sử bệnh nhân và việc thăm khám sức khỏe.
Tiền sử các vết loét tái phát, sự xuất hiện các vết loét rời rạc đặc trưng có hình tròn đến bầu dục với vành ban đỏ và dịch tiết màu vàng nói chung là đủ để chẩn đoán bệnh áp-tơ đơn giản.
Thăm hỏi tiền sử bệnh của bệnh nhân – tái phát, gia đình
Bệnh nhân thường bắt đầu bị loét miệng từ lúc còn là thanh thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành. Đặc biệt, tiền sử phát triển vết loét tại vị trí chấn thương là rất phổ biến ở bệnh nhân bị nhiệt miệng. Ngoài ra, những người trong gia đình đã hoặc đang bị nhiệt miệng là một trong những thông tin hữu ích giúp xác định bệnh và nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Dưới đây là danh sách các câu hỏi bác sĩ thường đặt ra cho bệnh nhân viêm loét miệng như:
- Trước đây từng bị nhiệt miệng chưa? Các vết loét trước đây xuất hiện ở vị trí nào?
- Vết thương có xu hướng tạo ra một tổn thương mới không?
- Các tổn thương có triệu chứng gì không?
- Có tiền sử bệnh ngoài da liên quan đến các vị trí khác trên cơ thể không?
- Bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào gợi ý đến các vị trí khác liên quan đến niêm mạc (ví dụ như khó nuốt, khàn giọng, nói lắp, kích ứng mắt, tiểu khó, khó thở, tiểu máu) không?
- Bệnh nhân có mắc các tình trạng bệnh lý khác không, bao gồm cả suy giảm miễn dịch?
- Có nghi ngờ bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào không?
- Hiện bệnh nhân có đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nghi ngờ nào không?
Khám thực thể – hình ảnh vết loét
Loét áp – tơ có biểu hiện đặc trưng. Các vết loét thường xuất hiện rời rạc và có đường kính từ 3 đến 5 mm. Những vết này thông thường có màu trắng, ngoài ra có trường hợp màu vàng, viền xung quanh là màu đỏ. Chúng có thể được tìm thấy trên khắp niêm mạc miệng nhưng hay xuất hiện phổ biến ở bên trong má, trên lưỡi.
Các tổn thương ở bộ phận sinh dục có biểu hiện tương tự nhưng có thể phát triển trên cả niêm mạc và da. Khi đánh giá bệnh nhân có loét miệng, nên khám sức khỏe tổng thể tất cả các bề mặt da niêm mạc, bao gồm da đầu, móng tay và vùng hậu môn sinh dục, được thực hiện để loại trừ các bệnh da tiềm ẩn khác.
Sinh thiết
Sinh thiết là một phương pháp khá phức tạp, vì vậy nó thường được sử dụng khi bệnh nhân đã làm các xét nghiệm đơn giản hơn trước đó mà vẫn chưa có được kết luận chính xác về bệnh. Chẩn đoán nhiệt miệng thường được thực hiện trên lâm sàng. Tuy nhiên, khi các biểu hiện của bệnh nghiêm trọng hoặc không điển hình, sinh thiết là một phương pháp hữu ích… để loại trừ, xác định chính xác bệnh của bạn. Sinh thiết cạo ở ngoại vi của vết loét sớm, lúc mới hình thành là tốt nhất.
Các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm – xét nghiệm máu
Đối với hầu hết bệnh nhân mắc các triệu chứng đơn giản, không cần đánh giá thêm trong phòng thí nghiệm. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, việc quan trọng là tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây bệnh.
Khi đó, bạn có thể làm thêm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng (ví dụ, vitamin B12, folate, sắt) dẫn đến rối loạn mà khi được điều chỉnh, có khả năng giải quyết hoặc cải thiện vết loét. Khi các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây nhiệt miệng của bạn là do thiếu hụt vitamin và khoáng chất thì xét nghiệm máu sẽ được ưu tiên chỉ định.
Xem thêm: Bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi?
Nhiệt miệng nên đi khám ở chuyên khoa nào, ở đâu?
Bệnh nhân bị nhiệt miệng, lở miệng hầu hết đều xuất phát từ các bệnh lý về răng miệng. Để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất, bạn nên đi khám ở chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để gặp các bác sĩ nha khoa uy tín.
Nếu bạn đang thắc mắc và chưa biết đi khám ở đâu thì bạn có thể lựa chọn các địa chỉ sau để khám bệnh
Một số bệnh viện khám nhiệt miệng ở Hà Nội
1.Bệnh viện Da liễu Trung ương
Địa chỉ: 15A Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 1900 6951.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (7h-16h30), Thứ 7 và chủ nhật (7h-17h30)
2.Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phường Phương Đình, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 3869 3731.
Thời gian làm việc: Tất cả các ngày trong tuần (6h30-18h)
3.Bệnh viện Y Hà Nội
Địa chỉ: 1 Tôn Thất Tùng, Phường Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 1900 6422.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (7h30-17h), Thứ 7 (7h30-12h)
4.Bệnh viện Tai – Mũi – Họng trung ương
Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phường Phương Đình, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: (028) 3930 8131.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (7h-16h30), Thứ 7 và chủ nhật (7h30-16h)
Một số bệnh viện khám nhiệt miệng ở Hồ Chí Minh
1.Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 2 Nguyễn Thông, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại: 1900 6951.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (7h-16h)
2.Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3855 4269.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (6h30-16h30), sáng thứ 7 (6h30-12h)
3.Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM.
Điện thoại: (028) 3855 4137
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 (7-16h)
Một số lưu ý khi đi khám cho người bị nhiệt miệng
Để giúp quá trình thăm khám của bạn diễn ra thuận lợi, rút ngắn thời gian, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
Tìm hiểu thông tin của cơ sở khám bệnh
Để lựa chọn được một phòng khám uy tín, chất lượng, phù hợp với tình hình tài chính, bạn cần tìm hiểu một số thông tin sau:
Giá cả các dịch vụ
Bạn nên tham khảo trước các bảng giá khám, chữa bệnh của nhiều phòng khám khác nhau. Từ đó lựa chọn cho mình một phòng khám có giá cả hợp lý nhất.
Tay nghề của bác sĩ chính
Bạn cũng nên tham khảo bằng cấp chuyên môn của các bác sĩ chủ trị. Một số các tình trạng nhiệt miệng nặng hoặc các triệu chứng hiếm gặp đòi hỏi những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.
Đặt lịch khám trước
Đa số các phòng khám thường chỉ làm việc trong các giờ hành chính. Tuy nhiên, vẫn có những phòng khám có lịch khám ngoài giờ. Để tránh trường hợp bạn đến quá sớm hoặc quá muộn hoặc phòng khám quá đông, bạn nên đặt lịch hẹn khám trước.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ internet, bạn có thể đặt lịch hẹn trực tiếp, nhanh chóng với các phòng khám hoặc bệnh viện. Việc phải chờ đợi, xếp hàng sẽ tốn của bạn rất nhiều thời gian.
Thực hiện theo đúng các chỉ định của bác sĩ
Bác sĩ là những người được đào tạo và có chuyên môn cao. Những chỉ dẫn của bác sĩ đều muốn tốt cho bệnh nhân của mình. Do đó, bạn nên tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là tuân thủ phác đồ điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Chuẩn bị tài chính đầy đủ
Trong quá trình thăm khám, có thể bạn sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Bạn nên chuẩn bị chi phí nhiều hơn dự kiến một chú để đề phòng các tình huống xảy ra.
Kết luận
Nhiệt miệng là một bệnh phổ biến của niêm mạc miệng, đặc trưng bởi sự phát triển tái phát của một đến một số vết loét đau, rời rạc, thường lành trong vòng hai tuần.
Các chẩn đoán thường được thực hiện dựa trên cơ sở lâm sàng, trên tiền sử điển hình và khám sức khỏe. Hầu hết các bệnh nhân mắc nhiệt miệng thông thường đều khỏe mạnh. Ở những bệnh nhân mắc bệnh có triệu chứng bất thường hay có dấu hiệu nghi ngờ cần làm các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh.
Thông tin hữu ích: Cách làm hết nhiệt miệng nhanh chóng