Trào ngược thanh quản là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản và gây ra các triệu chứng như đau họng, kích thích thanh quản. Bệnh có thể gặp với mọi lứa tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh trào ngược thanh quản có nguy hiểm không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Trào ngược thanh quản là bệnh gì?
Trào ngược thanh quản (LPR) là tình trạng acid từ dạ dày đi lên thực quản và đến cổ họng, gây ra các triệu chứng sau:
- Viêm họng
- Khàn tiếng nhẹ (thường gặp vào buổi sáng và đỡ hơn trong ngày)
- Cảm giác nổi cục ở cổ họng
- Có đờm
- Chảy nước mũi
- Ho mãn tính
- Khó nuốt
- Thanh quản đỏ, sưng
- Nóng rát ngực, ợ chua
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng có thể gặp gồm:
- Hen suyễn
- Thở kéo cử
- Khó cho ăn, khạc hoặc trớ thức ăn
- Nhẹ cân, khó tăng cân
Trào ngược thanh quản tương tự như một tình trạng khác của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng các triệu chứng của nó ít điển hình hơn và gây khó khăn trong chẩn đoán. Do đó trào ngược thanh quản còn được gọi với tên trào ngược thầm lặng.
Nguyên nhân gây trào ngược thanh quản
Ở hai đầu thực quản là một vòng cơ (cơ vòng). Thông thường, những cơ vòng này giữ cho các chất ở trong dạ dày không bị di chuyển ngược lên thực quản. Nhưng đối với bệnh nhân bị trào ngược thanh quản, các cơ vòng hoạt động không bình thường. Acid dạ dày trào ngược vào thực quản, ảnh hưởng tới hầu, thanh quản.
Trào ngược thanh quản thường gặp ở trẻ sơ sinh vì các cơ vòng của bé chưa phát triển, thực quản ngắn hơn và trẻ thường được đặt nằm thường xuyên.
Bệnh trào ngược thanh quản có nguy hiểm không?
Acid dạ dày đọng lại ở cổ họng và thanh quản có thể gây kích ứng và tổn thương lâu dài nếu không được điều trị.
Ở trẻ sơ sinh, trào ngược thanh quản có thể gây ra nhiễm trùng tai tái phát, dịch tai giữa tích tụ, loét vùng cổ họng, thu hẹp khu vực bên dưới dây thanh âm.
Ở người lớn, trào ngược thanh quản có thể gây sẹo ở cổ họng và hộp âm thanh. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng đến phổi và có thể gây kích ứng các bệnh như viêm phế quản, khí phế thũng, hen suyễn.
Chẩn đoán trào ngược thanh quản
Mặc dù trào ngược thanh quản khó chẩn đoán hơn trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ có thể chẩn đoán nó thông qua kết hợp bệnh sử, khám sức khỏe và một vài xét nghiệm như:
- Khám nội soi
- Theo dõi độ pH: bao gồm đặt một ống thông nhỏ qua mũi, vào cổ họng và thực quản. Ở đây các cảm biến phát hiện acid và một máy tính nhỏ đeo ở thắt lưng ghi lại các phát hiện trong khoảng thời gian 24 giờ.
Cách điều trị trào ngược thanh quản hiệu quả
Biện pháp tự nhiên
Hầu hết bệnh nhân bị trào ngược thanh quản không cần can thiệp các biện pháp y tế mà có thể giảm bệnh bằng cách thay đổi lối sống. Các biện pháp bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn cân bằng: lượng acid thấp, ít chất béo, không cay
- Chia các bữa ăn lớn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
- Tránh sử dụng rượu, thuốc lá, caffeine, socola, bạc hà…
- Tránh căng thẳng quá mức
- Đảm bảo duy trì cân nặng ở mức cân bằng
- Tránh ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ
- Không mặc quần áo chật hoặc bó
- Tránh hắng giọng
- Nâng cao đầu khi ngủ: Điều này sẽ giúp nâng cao phần trên của cơ thể, ngăn không cho acid dạ dày trào ngược vào cổ họng
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Cho ăn ít hơn, chia thành nhiều bữa
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng ít nhất 30 phút sau khi bú
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể được sử dụng gồm:
- Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid, gồm một số chất như Nhôm Hydroxit, Magie Hydroxide…
- Thuốc chẹn H2: chẳng hạn như ranitidine, cimetidine, famotidine…
- Thuốc ức chế bơm proton: omeprazole, pantoprazole, esomeprazole
Trên đây là những thông tin cần thiết liên quan đến bệnh trào ngược thanh quản. Mặc dù bệnh này không gây ra nhiều biến chứng gây nguy hiểm tuy nhiên mọi người cần nên được kiểm tra sớm và điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày.