Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là chìa khóa cải thiện sức khỏe, giảm các triệu chứng bệnh, bao gồm cả khàn tiếng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan… Vậy khàn tiếng ăn gì uống gì để nhanh khỏi, giúp giọng nói trong sáng hơn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Mục lục
Người bị khàn tiếng ăn gì, uống gì?
Uống nước ấm
Uống nước ấm hoặc một tách trà thảo dược nóng như: trà hoa cúc, trà gừng, trà lá bạc hà… có thể làm dịu cổ họng, hạn chế sưng, viêm gây đau khi phát ra âm thanh, giảm chất nhầy giúp bạn dễ thở và dễ chịu hơn. Vì vậy, bạn đừng quên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày vừa cải thiện sức khỏe vừa khắc phục nhanh các triệu chứng khi bị khàn tiếng.
Gừng
Theo nghiên cứu, các hoạt chất phenolic có nhiều trong gừng tươi như: gingerols, shogaols… có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Ngoài ra, vị cay nóng của gừng còn giúp giảm đau và sưng tấy cổ họng. Vì vậy, gừng thường được sử dụng trong các bài thuốc giảm khàn tiếng, đặc biệt là trường hợp khàn tiếng do các bệnh viêm đường hô hấp.
Bạn có thể ăn sống một lát gừng tươi, uống trà gừng 3 lần mỗi ngày hoặc cho thêm gừng như một gia vị trong các bữa ăn để giảm nhanh tình trạng khàn tiếng.
☛ Đọc thêm bài viết: 5 cách chữa ho bằng gừng hiệu quả
Nghệ
Với thành phần chính là cucurmin, nghệ có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, làm giảm triệu chứng sưng tấy, đau rát ở cổ họng. Từ đó, người bệnh giảm khàn tiếng và nhanh chóng lấy lại giọng nói trong sáng.
Ngoài ra, nghệ còn là dược liệu quý mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: chống oxy hóa cải thiện làn da, giảm LDL cholesterol đồng thời tăng HDL cholesterol giúp bảo vệ tim mạch, chống ung thư, ngăn ngừa bệnh Alzheimer…
Bạn có thể sử dụng nghệ như một gia vị trong bữa ăn hằng ngày hoặc uống một cốc nước ấm pha thêm bột nghệ vào mỗi buổi sáng để giảm nhanh tình trạng khàn tiếng.
Tỏi
Theo y học cổ truyền, tỏi có vị cay hăng, tính ấm, giúp giảm sưng đau, đào thải độc tố, thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa ho, viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh gây khàn tiếng.
Ngoài ra, tỏi chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn tốt như: diallyl disulfide, allicin… hỗ trợ điều trị bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn, giảm triệu chứng sưng tấy, khàn tiếng. Tỏi còn giàu vitamin C, B6, mangan… tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp bệnh tình nhanh thuyên giảm.
Bạn có thể sử dụng tỏi bằng cách ăn tươi, uống nước ép tỏi hoặc thêm tỏi như một gia vị vào các bữa ăn hàng ngày.
☛ Tham khảo bài viết: 7 cách trị ho bằng tỏi tại nhà
Mật ong
Theo nghiên cứu, mật ong là nguồn dược liệu quý chứa nhiều hợp chất polyphenolic, hydrogen peroxide, 1,2 – dicarbonyl, defensin – 1… có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ. Vì vậy, mật ong tác dụng tốt với các bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản… gây ho, khàn tiếng, mất giọng.
Bạn có thể cho thêm mật ong vào trà hoặc ngậm một thìa mật ong và nuốt từ từ, thực hiện mỗi ngày một lần.
Quả lựu
Hợp chất polyphenols có nhiều trong quả lựu vừa có khả năng chống oxy hóa vừa kháng khuẩn tốt, bảo vệ và phục hồi cổ họng bị hư tổn, phù hợp cho người khàn tiếng, mất giọng, ho do viêm đường hô hấp. Ngoài ra, quả lựu được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân viêm ruột, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường…
Bạn có thể ăn trực tiếp quả lựu hoặc ép thành nước uống mỗi ngày để giảm nhanh tình trạng khàn tiếng.
Giấm táo
Giấm táo chứa nhiều acid acetic giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, cải thiện các bệnh viêm đường hô hấp, giảm ho, cúm và giúp giọng nói trong sáng hơn. Bạn có thể pha loãng một thìa giấm táo với nước ấm và uống vào mỗi buổi sáng để giảm nhanh tình trạng khàn tiếng.
Nước chanh
Nước chanh không chỉ là thức uống ngon miệng, mang lại cảm giác sảng khoái, tràn đầy năng lượng mà còn giảm đau rát cổ họng, khàn tiếng khi bị viêm đường hô hấp, cúm, cảm lạnh… Quả chanh giàu vitamin C và nhiều chất chống oxy hóa khác giúp chống viêm, giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, nước chanh còn kích thích cơ thể bài tiết nhiều nước bọt, làm loãng đờm, giúp cổ họng thông thoáng, dễ chịu.
Bạn có thể kết hợp chanh với nước ấm và thêm một ít mật ong để tối đa hóa lợi ích, giảm khàn tiếng nhanh chóng.
☛ Xem thêm bài viết: Cách trị ho bằng chanh
Lá bạc hà
Tinh dầu menthol trong lá bạc hà có tác dụng giảm sưng đau họng, thanh tiếng nói, cải thiện tình trạng khàn tiếng và một số triệu chứng khác đi kèm như: ho có đờm, tắc nghẹt mũi, đau nhức đầu…
Bạn có thể thưởng thức một tách trà lá bạc hà vào mỗi buổi sáng để giảm khàn tiếng và tiếp thêm năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả.
Củ cải
Theo y học phương Đông, củ cải vị ngọt, tính mát, có tác dụng giảm ho đờm, ho khan và cải thiện tình trạng khàn tiếng, mất giọng ở người bị cảm cúm hiệu quả.
Ngoài ra, củ cải là nguồn dưỡng chất dồi dào chứa nhiều vitamin A, B, C, E, PP và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: photpho, sắt, mangan… giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh chóng các tổn thương vùng cổ họng.
Đó là lý do vì sao bạn đừng quên bổ sung củ cải vào thực đơn ăn uống để giảm khàn tiếng nhanh chóng.
Giá đỗ
Theo nghiên cứu, giá đỗ chứa nhiều hoạt chất chống viêm như: polyphenols, vitexin, isovitexin… cải thiện tốt tình trạng viêm sưng cổ họng, giảm ho và khàn tiếng hiệu quả.
Bạn có thể nấu giá đỗ thành nhiều món ăn theo sở thích của bản thân như: giá đỗ xào thịt, canh đậu phụ giá đỗ, canh cà chua giá đỗ… hoặc ăn giá đỗ luộc với một chút muối (nên ăn cả nước lẫn cái).
Cháo, súp
Khàn tiếng có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như: sưng tấy, đau buốt cổ họng, ho, ho có đờm… Điều này khiến việc tiêu thụ thức ăn khô, cứng như cơm, thịt xào, cá rán… trở nên khó khăn hơn. Do đó, các món được ninh nhừ như cháo, súp là sự lựa chọn tuyệt vời cho người bị khàn tiếng, giảm bớt sự cọ xát của thức ăn vào vùng họng bị tổn thương, mang lại cảm giác dễ chịu, dễ nuốt mà vẫn cung cấp đủ các chất cần thiết cho cơ thể.
Bạn có thể nấu cháo, súp với thịt băm, rau củ theo sở thích cá nhân, nên ưu tiên lựa chọn các loại rau giàu hoạt chất chống viêm như: cà rốt, bí ngô, súp lơ, các loại đậu hạt… để hỗ trợ điều trị tình trạng viêm, sưng tấy cổ họng, giảm khàn tiếng nhanh chóng.
Thực phẩm nên tránh khi bị khàn tiếng
Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên hạn chế tiêu thụ khi bị khàn tiếng:
☛ Thức ăn giòn, cứng: Các món giòn, cứng như: bánh quy, snack, hoa quả sấy khô… có thể làm tổn thương cổ họng, khiến tình trạng viêm sưng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, trong thời gian bị khàn tiếng, ho hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bạn không nên ăn nhiều các món này.
☛ Thực phẩm cay, nóng: Đồ ăn cay nóng dễ khiến niêm mạc họng bị kích thích, dẫn đến những cơn ho dữ dội, dai dẳng không ngừng khiến cổ họng đau rát, sưng tấy và tình trạng khàn tiếng trở nên tồi tệ hơn.
☛ Đồ ăn chế biến sẵn: Đồ ăn chế biến sẵn như pizza, khoai tây chiên, sản phẩm đóng hộp… được nhiều người ưa thích bởi tính tiện lợi, trình bày đẹp mắt và mang lại cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, chúng chứa nhiều hương liệu, phụ gia, đường, muối, các chất béo có hại… ảnh hưởng xấu đến cổ họng và dây thanh quản. Với người bị khàn tiếng, đồ chế biến sẵn thường khiến cổ họng nặng hơn, khó chịu, giọng nói cũng bị trầm rõ rệt.
☛ Đồ uống có cồn: Các loại đồ uống có cồn như rượu, bia… khiến cổ họng đau rát và mất nước, đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh dịch đờm. Từ đó, tình trạng khàn tiếng càng trở nên tồi tệ hơn.
Cần lưu ý những gì khi bị khàn tiếng?
Bên cạnh thực đơn ăn uống phù hợp, người bị khàn tiếng cần lưu ý những vấn đề sau để bảo vệ cổ họng và giọng nói của bản thân:
- Hạn chế cười, nói, hát, la hét lớn tiếng để cổ họng được nghỉ ngơi và có thời gian phục hồi các tổn thương.
- Bạn nên hít thở sâu và dùng hơi từ bụng hoặc ngực, không nên dùng hơi ở cổ họng khiến vị trí này thêm căng thẳng, ảnh hưởng đến giọng nói.
- Nếu công việc bắt buộc bạn phải nói to trong thời gian dài, ở một không gian rộng như: lớp học, hội trường, hội chợ… bạn nên chuẩn bị cho bản thân một chiếc micro phù hợp để hạn chế gắng sức khi nói khiến cổ họng thêm tổn thương hơn.
- Đừng quên tập thể dục đều đặn mỗi ngày để cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng đồng thời giúp bạn làm quen dần với cách hít thở sâu rất tốt cho cổ họng.
- Đầu tư máy tạo độ ẩm tại nhà, nơi làm việc, đặc biệt là vào mùa đông, khi thời tiết khô lạnh để không khí xung quanh bạn đủ ẩm, hạn chế các bệnh về đường hô hấp.
- Tắm nước nóng kích thích lưu thông máu và trao đổi chất, làm lành nhanh các tổn thương ở cổ họng, giảm chất nhầy, khiến giọng nói trong sáng và cơ thể dễ chịu hơn.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường vì bạn có thể hít phải bụi bẩn, khói thuốc, vi khuẩn… gây kích ứng niêm mạc họng, khiến tình trạng khàn tiếng trở nên trầm trọng hơn.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào vì đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, ung thư phổi… cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến giọng nói của bạn.
- Nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần kèm theo các triệu chứng khác như: đau rát cổ họng, khó nuốt… bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và có phương pháp điều trị phù hợp.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị khàn tiếng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1800.9068 để nhận được giải đáp trong thời gian sớm nhất.
☛ Thông tin hữu ích: Nguyên nhân và cách trị đau rát họng khàn tiếng